Kinh Đô chọn lối đi mới?
Thương vụ Cty CP Kinh Đô (KDC- HoSE) kí thỏa thuận bán 80% mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư ngoại Mondelez International đang khiến thị trường dấy lên nhiều câu hỏi về một lối đi mới của Kinh Đô...
Cách đây hơn hai mươi năm về trước, khi xây dựng Kinh Đô với trụ cột đầu tiên là ngành bánh kẹo, có lẽ anh em ông Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên chưa thể có suy tính “xây để bán”. Bởi “xây để bán” (built to sell) chỉ là một thuật ngữ được DN VN chú ý ở thời gian mấy năm gần đây, khi làn sóng M&A ồ ạt xâm lấn mọi lĩnh vực và nhiều doanh nhân bắt đầu có ý định tạo dựng DN một thời gian, rồi nhân giá trị DN đó lên nhiều lần theo cách thức mở rộng chuỗi, tăng bề ngang hoặc dọc và từ đó bán ra với cái giá lớn – đi xây cơ nghiệp mới.
Thức thời ?
Cách thức đó nếu nhìn, rõ ràng phần nào có hơi hướng giống với những gì những người chủ sáng lập Kinh Đô tính toán mấy năm gần đây nhất, khi Kinh Đô đã thực thi không ít thương vụ M&A để tăng trưởng, mở rộng quy mô và nỗ lực nhân giá trị Cty. Nhưng dù thế nào thì nói theo cách của giới phân tích, vẫn khó có thể tin rằng có một ngày anh em nhà ông Trần Kim Thành lại tính “buông xuống” mảng bánh kẹo – mảng đã làm nên thương hiệu Kinh Đô. Cũng là mảng hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Kinh Đô trong 20 năm, tính đến hết 2013.
Sau 21 năm khai phá một thị trường sơ khai với tốc độ tăng trưởng vượt trột, chọn thời điểm rời đi khi thị trường bão hòa là một quyết định đúng ?
Nói là tính đến hết 2013 bởi trước đó, tuy Kinh Đô có kinh doanh đa ngành mở rộng thị trường sang lĩnh vực kem sữa, phân phối, và bất động sản, song trong cơ cấu doanh thu của mình, đóng góp lớn nhất cho Kinh Đô vẫn là bánh kẹo, bao gồm các mặt hàng chính như bánh quy (27%), bánh bông lan (19%), bánh trung thu (17%), bánh mì (12%). Kem và sữa đóng góp 14%. 11% còn lại thuộc nguồn doanh thu khác. (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu MSBS).
Cũng tính riêng với mảng bánh kẹo, Kinh Đô đã thực thi tái cơ cấu với cơ chế hoạt động tập trung, tách bạch từng lĩnh vực. Theo đó, chuyển giao toàn bộ hoạt động bánh kẹo sang CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD) từ cả Kinh Đô và CTCP Kinh Đô Miền Bắc (NKD). Chính nhờ cơ chế tập trung / tách bạch này nên với một cấu trúc sở hữu mở ra ở nhiều Cty ngoài Kinh Đô Bình Dương như Cty TNHH MTV KiDo (100%), Cty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc (100%), Cty Tân An Phước (49%), Cty Vinabico (51,2%) (nguồn: KDC-31/12/2013), Kinh Đô trên bề mặt không bị xem là “bán mình” khi thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo sẽ chỉ diễn ra trong giao dịch với một Cty con là BKD.
Song như đã nêu ở trên, bánh kẹo là ngành đã mang đến doanh thu nhiều nhất cho Kinh Đô trong suốt 21 năm qua, tính cả thời gian 10 tháng 2014 gần đây khi Kinh Đô mở hướng đầu tư sang các lĩnh vực thuộc chuỗi thực phẩm Food - Flavor bao gồm cả kem sữa, mì gói, dầu ăn, cà phê và cả bán lẻ, nên việc KDC bán 80% mảng bánh kẹo, vẫn có thể ví như đã bán đi một “hồn cốt” của chính Kinh Đô trong hiện tại và quá khứ. Cho dù Kinh Đô tiếp tục phát triển thương hiệu Kinh Đô ở những lĩnh vực còn lại tốt đến đâu chăng nữa và cho dù doanh nhân Trần Kim Thành chẳng vì thương vụ bán “hồn cốt” này mà rời bỏ vị trí chủ tịch Kinh Đô, thì trong tâm lí của người tiêu dùng VN vốn đã quen thuộc vị trí thống lĩnh ngành bánh kẹo VN của Kinh Đô, đã quen với một thương hiệu được sáng lập và gắn bó với DN Việt, nay sẽ được chi phối, sản xuất, điều hành, kinh doanh gần toàn phần bởi tay một DN ngoại, họ sẽ khó tránh khỏi nuối tiếc.
Tất nhiên,với một số tiền của thương vụ được đánh giá là “khủng” mà những người trong cuộc nhận được, cái giá của thương vụ này chỉ có thể được chính người trong cuộc định giá là xứng đáng hay không.
Nhường sân ?
Một điều đáng nói trong thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo của Kinh Đô, Cty này đã đưa ra rất thuyết phục: Ngành bánh kẹo VN đã bão hòa. Đây cũng là nhận định của các tổ chức nghiên cứu độc lập về thị trường thời gian gần đây. Cũng có thể hiểu sâu xa hơn là sau 21 năm khai phá một thị trường sơ khai với tốc độ tăng trưởng vượt trột, chọn thời điểm rời đi khi thị trường bão hòa là một quyết định đúng đắn để Kinh Đô tạo ra sức sống mới, đột phá tăng trưởng ở các lĩnh vực đầu tư mới. Còn nôm na theo kiểu “dân gian” thì là Kinh Đô đã “ăn đủ” ở thị trường bánh kẹo, và nay sẽ là lựa chọn nhường sân.
Dù thế nào thì Kinh Đô cũng đã quyết định buông bỏ. Và quyết định này có thể sẽ tiến tới việc Kinh Đô toàn phần rời khỏi ngành bánh kẹo khi trong Nghị quyết HĐQT kí ngày 11/11/2014, đồng ngày với Lễ công bố khoản đầu tư của Tập đoàn Mondelez vào Kinh Đô, HĐQT Kinh Đô đã tính toán cả giá trị 20% cổ phần còn lại trong mảng bánh kẹo tại BKD, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền chọn mua của nhà đầu tư nước ngoài để đồng tính cho 100% cổ phần BKD. Có nghĩa, nếu bán nốt 20% cổ phần còn lại với giao dịch diễn ra/ hoàn tất trong 12 tháng tới, Kinh Đô sẽ bán trọn mảng bánh kẹo với tổng trị giá 9.808.593 tỷ đồng, tương ứng khoảng hơn 480 triệu USD.
Ba mảng đầu tư mới của KDC (mì gói, dầu ăn, cà phê) đều là ba mảng nằm trong thị trường cạnh tranh cao và thị phần đã được phân chia giữa các DN lâu năm. Do đó vẫn còn sớm để có thể nói hoạt động của KDC tại những mảng đầu tư mới này có thể vượt trội so với nguồn thu từ bánh kẹo của Kinh Đô hay không - Nhận định của CTCK VPBS)
Kinh Đô có lẽ giờ đây đã không còn muốn “bỏ phần còn lại của cuộc đời mình đi bán nước đường” mà chọn cách nắm cơ hội để “thay đổi thế giới” - (dẫn theo câu nói nổi tiếng của Steve Jobs - PV). Nhưng lựa chọn đó có mang lại sự ngọt ngào so với “đi bán nước đường” hay không - tiếc là thời gian lúc này chẳng dừng lại để có ngay được câu trả lời!
Kinh Đô kỳ vọng 3 mảng đầu tư nào ?
Mảng thứ nhất: Mì gói. Kinh Đô hợp tác với Cty TNHH Sài Gòn Vewong, doanh nghiệp mì gói với thương hiệu A-One có thị phần đứng thứ 5 hiện nay. KDC kỳ vọng sẽ nằm trong top 3 thị trường với doanh số tương đương ngành bánh kẹo của Kinh Đô hiện nay. Sản phẩm mì gói của Kinh Đô dự kiến bán vào cuối 2014.
Mảng này hiện đang bị chi phối bởi thế kiềng ba chân, trong đó, Vina Acecook chiếm 52% thị phần với 20 nhãn hiệu mì, trong đó có 2 nhãn liên tục nhiều năm dẫn đầu về doanh số; Masan Consumer nắm giữ 16% thị phần và 12,1% thuộc về Asia Food. Khoảng 20% còn lại thuộc về các nhãn hàng cũ, mới và nhập ngoại trong đó có những ông lớn ngoại khác như Nissin hay DN mì nổi tiếng một thời Miliket, Vifon…
Mảng 2: Dầu ăn. Vừa qua, TCty Công nghiệp Dầu thực vật VN (Vocarimex) đã IPO và Kinh Đô trở thành đối tác chiến lược của Vocarimex với 32% vốn cổ phần. Kinh Đô cũng đang trình cổ đông để tăng tỷ lệ đầu tư lên mức chi phối 51%. Hiện Vocarimex là Cty mẹ nắm 51% cổ phần của Dầu thực vật Tường An đồng thời nắm cổ phần lớn tại 3 DN dầu ăn khác Dầu thực vật Cái Lân (Neptune, Simply), Golden Hope Nhà Bè và Dầu thực vật Tân Bình. Về mặt thị phần, theo Vocarimex thì DN đang chiếm 4% thị phần, các DN dầu ăn khác trong nước nắm 10% thị phần, còn lại là 86% thuộc về các DN nước ngoài.
Mảng ba: Đầu tư cà phê PhinDeli. Kinh Đô đã nắm khoảng 50% cổ phần tại PhinDeli (Mỹ) với giá trị 1 triệu USD. Đây là Cty mới thành lập hơn một năm, kinh doanh cả cà phê hòa tan lẫn cà phê rang xay. Thị trường này cũng đang diễn ra cạnh tranh khốc liệt bởi sự hiện diện của các DN dẫn đầu ngành như Trung Nguyên, Vina Café Biên Hòa, Nestle, Vinamit và một loạt các thương hiệu cả phê chuỗi từ Starbucks, Highland, The Coffee Bean & Tea Leaf… đến Passio, Milano, gần đây là cà phê capsules Sagaso…
Theo CTCK VPBs, do chưa có nhiều thông tin về chiến lược sắp tới của Kinh Đô nên chưa thể đưa ra nhiều nhận định. Tuy nhiên, có thể thấy ba mảng đầu tư mới của Kinh Đô đều là ba mảng nằm trong thị trường cạnh tranh cao và thị phần đã được phân chia giữa các DN lâu năm. Do đó vẫn còn sớm để có thể nói hoạt động của Kinh Đô tại những mảng đầu tư mới này có thể vượt trội so với nguồn thu từ bánh kẹo của Kinh Đô hay không. Ngoài ra, với nguồn tiền khổng lồ thu được từ bán BKD, có nhiều tin đồn là Kinh Đô sẽ tăng tỷ lệ chia cổ tức đột biến, tuy nhiên DN cũng chưa có thông báo chính thức về việc sử dụng nguồn tiền này.
(Theo Lê Mỹ // DÐDN)