Bài toán khó của MK
Trao đổi với DĐDN, anh Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn MK cho biết: Là một trong những DN Việt Nam tiên phong đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sau 15 năm phát triển, Cty CP Tập đoàn MK đã khẳng định được thương hiệu của mình trên trường quốc tế với mức tăng trưởng rất nhanh khoảng 40 – 50%/năm nhưng việc phát triển thị trường trong nước vẫn là “rào cản” không dễ vượt...
Anh Khang cho biết, việc sản phẩm của MK được các nhà mạng nước ngoài nước ngoài lựa chọn là một minh chứng cho chất lượng sản phẩm của chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi cung cấp sản phẩm cho hơn 10 nhà mạng trên thế giới, mỗi một năm cung cấp khoảng 20 triệu sim cho nước ngoài. Với chứng chỉ quốc tế mà chúng tôi có được trong sản xuất sim, chứng minh năng lực của chúng tôi ngang ngửa với các hãng trên thế giới và cơ hội phát triển của MK là rất lớn.
- Được biết, sản phẩm của MK hiện cung ứng cho hàng chục nhà mạng trên thế giới và hàng trăm hãng điện thoại nước ngoài nhưng việc tiếp cận thị trường trong nước, đặc biệt là các nhà mạng trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo anh đâu là lý do?
Tôi nghĩ VN quá mở cửa và chính sự mở cửa này đã không tạo ra những lợi thế cho các DN trong nước. Tại các nước trên thế giới, để có ngành công nghiệp công nghệ cao nhiều nước đã phải đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, bảo về quyền lợi cho các DN trong nước. Các DN nước ngoài muốn đưa sản phẩm vào quốc gia họ thì phải có sự nội địa hóa đến 70%. VN muốn phát triển được ngành công nghiệp công nghệ cao thì nhà nước phải đưa ra các chính sách cụ thể nhằm bảo vệ và hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Việc đang “thua” ngay tại sân nhà cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân hiện hữu nhất, đó chính sách thuế nhập khẩu, xuất khẩu. Hiện nay, để sản xuất sản phẩm MK phải nhập khẩu phần cứng ở nước ngoài và phải đóng thuế nhập khẩu, trong khi đó sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu vào VN áp thuế là 0%. Các DN của Pháp, Đức… sang Trung Quốc sản xuất sản phẩm và nhập khẩu vào VN mà không phải đóng đồng thuế nào. Chỉ riêng điều đó thôi họ đã có lợi thế hơn chúng tôi rất nhiều. Chính vì vậy, rất nhiều lần tôi đề nghị cần có sự bình đẳng cho DN VN trong công tác đấu thầu, cũng như trong các hoạt động kinh doanh.
- Có một điều rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn là khi họ đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất, thường sân thường là một mình, ít có sự gắn kết giữa các DN trong nước với nhau. MK có gặp khó khăn trong vấn đề này không?
Sự hợp tác giữa các DN với nhau, các trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học trong việc phát triển ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh là rất quan trọng. Việc hợp tác này tại VN chưa được thật tốt. Chính phủ không chỉ dừng lại ở chính sách mà cần phải có những quy định rõ ràng cuộc chơi đấy sẽ như thế nào, làm sao cho các DN thấy được những lợi ích. Khi DN có lợi ích trong việc hợp tác thì chúng ta không phải yêu cầu hợp tác họ đã hợp tác rồi. Tôi nghĩ chính sách phải tạo ra một môi trường để cho các DN thấy được những lợi ích của mình trong đó khi đến với nhau.
Để phát triển được ngành công nghệ cao, tôi thấy các trường đại học chính là cái nôi sản sinh ra nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển, vậy nhà nước nên mạnh dạn đầu tư vào các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các DN sử dụng nguồn lực đó.
- Nếu chỉ riêng MK, “giải pháp” để phát triển của anh là gì?
Ngành công nghiệp thẻ ở VN chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, 70% dân số vẫn chưa biết dùng đến các dịch vụ tài chính.
Trong thế giới phẳng, không nghiên cứu chuyên sâu, không tạo được khác biệt thì khó lòng bứt phá. Phương châm kinh doanh của tôi là “sáng tạo + công nghệ đỉnh cao + lĩnh vực cốt lõi = sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ”
Muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới, phải cần đến phần công nghệ lõi, những giải pháp bảo mật đi kèm sản phẩm thẻ |
Tôi luôn khát vọng phấn đấu vượt qua thách thức khó khăn để chứng minh chúng ta – người VN có thế làm được những thứ mà chỉ có các công ty đa quốc gia mới làm được. Trên thực tế chúng tôi đã làm tốt hơn họ. Tôi luôn tin tưởng là không có gì khó mà chính là phải vượt qua chính mình và tạo ra nhưng sản phẩm mà có thể tiêu thụ ở mọi nơi trên thế giới với sự khác biệt nhất định trong một điều kiện nguồn lực của mình còn hạn chế. Chính các bạn Nhật hiện nay hợp tác với chúng tôi để học cách chúng tôi đang làm. “Chất lượng Nhật Bản và Giá Việt” sẽ là cách mà chúng tôi làm để thành công với khách hàng của mình.
- MK có những kỳ vọng gì từ chính sách trong giai đoạn tới?
Tôi nghĩ, Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên, khuyến khích các DN trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhưng tôi thấy một việc vô cũng quan trọng đó là thu hút được nhân tài, các bộ não mà thế giới cũng phải săn lùng. Cần tạo ra được môi trường mà trong đó các DN trong nước có quyền được bảo vệ, khi các DN VN mạnh được rồi lúc đó mới có thể tham gia thị trường quốc tế. Tôi thấy chính sách của VN chưa có sự bảo trợ cụ thể, rõ ràng, sát thực. Vấn đề vốn cũng là một trong những khó khăn đối với các DN ứng dụng công nghệ cao. Tôi thấy chưa có sự ưu đãi nào cả. Muốn phát triển ngành công nghệ, nhà nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi về vốn, đây là những vấn đề rất quan trọng.
Ngoài ra, ý thức “Người VN dùng hàng VN” cần thiết phải được nâng cao để không những tiết kiệm ngoại tệ cho DN, giảm chi phí đồng thời được hưởng lợi từ việc sản xuất tại địa phương với việc giao hàng nhanh và thuật lợi, giảm tồn kho trong khi không phụ thuộc vào nước ngoài. Chúng tôi cam kết giao hàng chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế với giá thành rẻ hơn và có giá trị gia tăng cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Đây chính là tinh thần “yêu nước, tự hào dân tộc” và là hành động thực chất nhất mà chúng ta cần làm nhằm đóng góp xây dựng ngành công nghiệp công nghệ cao ở VN và tạo công ăn việc làm cho chính người VN.
- Theo anh, cần phải làm gì để thực hiện được chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020?
Muốn phát triển một ngành công nghiệp công nghệ cao, các DN VN phải rất mạnh ở trong nước. Với thực tại hiện nay, Nhà nước phải sự bảo hộ nhất định và buộc các DN nước ngoài phải nội địa hóa ở VN. Tôi thấy luật Đầu thầu gần đây đã đưa điều này vào khiến các DN trong nước rất phấn khởi, như vậy các DN VN có sân chơi bình đẳng hơn, có nhiều cơ hội và tích lũy để làm chủ cuộc chơi trên đất nước mình.
- Xin cảm ơn ông!
Doanh nhân Nguyễn Trọng Khang tham gia vào Chương trình Giải thưởng EY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014, anh đã thuyết phục được Hội đồng bình xét và là một trong 5 doanh nhân tiêu biểu. Anh khẳng định:
“Đây chính là sự ghi nhận sự lao động không mệt mỏi của tất cả hơn 400 đồng nghiệp của chúng tôi, sự ủng hộ nhiệt tình của hàng nghìn khách hàng, đối tác trong và ngoài nước trong suốt 15 năm qua đã đồng hành cùng tôi xây dựng lên một ngành công nghiệp tuy còn non trẻ nhưng đã tự hào sánh vai với các “ông lớn” trong ngành công nghiệp này trên thế giới. 600 Cty cung cấp dịch vụ di động và hàng vạn ngân hàng cũng như hàng trăm cá dự án chính phủ trên toàn thế giới là khách hàng tiềm năng của chúng tôi.
(Theo Lê Hà // DÐDN)