Doanh nghiệp cần chủ động trong tiến trình hội nhập
Doanh nghiệp nên nắm bắt tình hình kinh tế, đưa ra chiến lược cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đầu tư nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ... để có thể khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình hội nhập.
Đó là chia sẻ của ông Lê Vĩnh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh chủ đề doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như các Hiệp định AEC, TPP và các FTA song phương được ký kết.
Ông Lê Vĩnh Sơn
- Ông dự báo như thế nào về “sức khoẻ” của doanh nghiệp trong năm 2015?
Năm 2015 sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay doanh nghiệp lớn về cơ bản đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và họ đang bắt tay vào xây dựng một trục phát triển mới để tăng trưởng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn do độ trễ của quá trình và sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này. Dự báo khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ còn kéo dài từ 6 đến 8 tháng nữa. Do đó nửa cuối 2015, các doanh nghiệp sẽ có tâm lý tốt và nền kinh tế sẽ có sự phục hồi đáng kể so với năm 2014.
- Vậy, xu hướng phát triển của doanh nghiệp trong năm 2015 sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2015 doanh nghiệp sẽ bắt kịp với xu thế hội nhập. Nếu không có cải cách cũng như cơ cấu và quản trị tốt thì vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí bị đóng cửa, phá sản và loại khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên điều này không đáng lo lắng. Đối với các doanh nghiệp có sự nỗ lực, đầu tư cũng như có tâm thế tốt thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của mình. Có thể nói 2015 là năm mà doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn là thách thức.
- Ông nói gì về thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tỉ lệ đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 0,2% đến 0,3% trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập như hiện nay?
Đó là một thực tế khi điểm xuất phát của chúng ta thấp. Việc đầu tư vào công nghệ còn mang tính tản mạn và không có chính sách dài lâu. Ngay trong tư duy của các doanh nhân vẫn còn manh mún và có những khái niệm, tư tưởng lệch lạc về vấn đề này. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam khó tìm được đối tác nước ngoài bởi cách nhìn khác nhau, tư tưởng cũng như tầm vóc khác nhau. Do đó nếu như thực trạng đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp như hiện nay thì không có gì đáng buồn cả vì thực trạng của vấn đề này vốn dĩ đã như vậy. Tuy nhiên không vì thế mà các doanh nghiệp nản chí.
- Sau khi Việt Nam chính thức hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như các Hiệp định AEC, TPP và các FTA song phương được ký kết thì doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì cho sự kiện này, thưa ông?
Theo tôi, các doanh nghiệp nên nắm bắt tình hình kinh tế, đưa ra chiến lược cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đầu tư nhân lực, ứng dụng công nghệ là những điều cần thiết phải làm. Ngay bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải nâng cao khả năng quản trị, nắm bắt tình hình biến động nhanh chóng để chúng ta có thể hội nhập về mặt kinh tế, mặt tư duy cũng như về mặt năng lực.
- Vậy bản thân doanh nghiệp ông đã sẵn sàng trước cơ hội cũng như thách thức này?
Doanh nghiệp chúng tôi nhìn nhận đây là thách thức tuy nhiên cũng có nhiều cơ hội khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng ASEAN (AEC) cũng như các Hiệp định AEC, TPP và các FTA song phương được ký kết. Tuy nhiên nếu so sánh giữa cơ hội và thách thức thì chúng tôi nhìn thấy cơ hội nhiều hơn. Và chúng tôi nhìn thấy rằng doanh nghiệp nên coi đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp phát triển cũng như tăng trưởng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của mình.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Hồ Hường // DÐDN)