Mảnh ghép hoàn hảo của Vingroup
Với hàng loạt chiến lược công bố mới trong năm 2014 vừa qua, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tỏ rõ những chiến lược tập trung phát triển và khai thác thị trường nội địa.
Ở các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, y tế, du lịch khách sạn, Tập đoàn Vingroup đều có những thương hiệu riêng và thành công, được định vị ở đẳng cấp các thương hiệu hàng đầu.
Bộ tứ hoàn hảo
Với vị thế đó, khi muốn thâm nhập và phát triển thị trường bán lẻ - một thị trường mà Vingroup đã sớm tiếp xúc thông qua qua kênh phân phối trung tâm thương mại, Vingroup tất yếu khó có thể bỏ qua việc xây dựng chuỗi siêu thị đến các cửa hàng tiện ích. Vingroup cũng không thể “làm chơi cho có”, bởi quy mô và sự đầu tư phải tương xứng với vị thế và các thương hiệu sẵn có. Nên không ngạc nhiên khi tập đoàn Vingroup tiếp tục gia nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ, làm tăng thêm sức nóng của thị trường vốn đang rất hấp dẫn với các đại gia ngoại.
Nhìn lại các mảng hoạt động của Vingroup, có thể hình dung một cách khác, trong hình ảnh “bộ tứ hoàn hảo” được thiết lập để cung cấp và khai thác chuỗi dự án địa ốc một cách khép kín, bao gồm hạ tầng nhà ở đến các dịch vụ y tế - giáo dục, không thể thiếu bán lẻ tiêu dùng. Vincom Mega Mall ra đời theo nghĩa đó và các VinMart, VinEcom – các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chuỗi mua sắm thương mại điện tử - mà Tập đoàn này vừa công bố sẽ phát triển, cũng được hoạch định trên nền tảng chiến lược hoàn thiện chuỗi khai thác khép kín cho dự án, như sự bổ sung của một mảnh ghép hoàn hảo để có bộ tứ hoàn hảo đã nêu.
Cho nên, dù nhiều người bất ngờ vì tốc độ của thương vụ diễn ra quá nhanh, nhưng những người trong cuộc, cả Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đều đã sớm có ý đồ riêng. Nếu như sự “rút chân” khi công bố đã bán 100% cổ phần tại CTCP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) được các chuyên gia đánh giá là một chiến lược khôn ngoan để Ocean Group củng cố lĩnh vực lõi tài chính ngân hàng, thì việc Vingroup đã mua lại 70% cổ phần và đổi tên thành CTCP Siêu thị VinMart, lại là con đường tắt giúp Vingroup nhanh nhất có thể hoàn thiện chiến lược chuỗi thương hiệu/ chuỗi thị trường. 9 siêu thị bán lẻ Ocean Mart và 4 cửa hàng tiện lợi Ocean Mart Express mới chỉ là những bước dạo đầu. 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích với thời gian 3 năm mới là đích mà Vingroup muốn đạt đến.
Với cuộc sang tay đổi chủ chuỗi siêu thị và cửa hàng thuộc Ocean Retail, những bước đi của Vingroup nhằm thực hiện chiến lược phát triển mới ở thị trường bán lẻ đã được xác thực.
Một điều hiển nhiên là các dự án lớn, ít nhất ở 10 dự án như Vingroup đang nhắm cho các địa bàn có Vinhomes, Vinmec, Vinpearl và Vinschool, các thương hiệu VinMart sẽ là rất cần thiết. Cùng với đó, các cửa hàng phục vụ cho sự tiện ích của cư dân mà với những khu phức hợp với diện tích và quy mô khủng như Vinhomes Tân Cảng, càng không thể không có. Tập đoàn này cũng đã tiên phong mở lối thương mại điện tử với chuỗi VinEcom để khai thác xu hướng mua sắm tiêu dùng mới. Dưới triều đại của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, bộ tứ của Vingroup đang đi vào hoàn hảo, theo cung cách khoan sâu, cắm rễ ở thị trường nội địa.
Chủ động sân nhà
Còn nhớ năm 2013, Ocean Retail gia nhập thị trường bán lẻ với tham vọng khá lớn và thậm chí còn bị cho là “không tưởng” khi muốn trở thành người dẫn đầu vào năm 2015. Tuy là tham vọng lớn, nhưng Ocean Retail trong một thời gian rất ngắn đã phát triển với tốc độ vũ bão và năng lực gây dựng niềm tin về địa chỉ mua sắm tin cậy với mạng lưới rộng khắp, có vị trí tốt – những yếu tố cần để cạnh tranh trên thị trường. Mua lại 70% cổ phần của Ocean Retail cũng có nghĩa là mua lại 13 siêu thị - cửa hàng cũng như mạng lưới khách hàng, đối tác cung cấp hàng và nguồn nhân lực sẵn có... Ai đó lo ngại trong “cuộc chiến” với những Big C, Parkson, Aeon, trong tương lai gần có thể là Metro khi đổi mô hình sang bán lẻ và cả WalMart… đang ngấp nghé thị trường tới đây, các nhà đầu tư bán lẻ nội sẽ có nguy cơ bị đánh bật. Sự tham gia của Vingroup rất có thể sẽ thay đổi những phán đoán trên bàn cờ.
Một điều đáng nói là ngoài chuyện mua lại Ocean Retail như là tất yếu, Vingroup trước đó cũng đã có sự chuẩn bị khá công phu cho màn “chào thị trường”. Tập đoàn đã kịp thời sở hữu 10% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Vinatex. Đây là tổ chức lớn nhất và chi phối các thương hiệu tốt nhất trong ngành Dệt may tại VN hiện nay. Vinatex cũng đang sở hữu hệ thống siêu thị Vinatexmart rộng khắp tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đơn vị thành viên của Vinatex lại đã và đang tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về nhiều tỉnh, thành và các siêu thị nhỏ tại Cty. Tổng số điểm bán hàng của các DN trong Tập đoàn đến nay đạt trên 4.000 điểm và cũng chi phối, chiếm lĩnh thị trường trong nước, đặc biệt ở phân khúc thị trường tầm trung và cao cấp. Do đó, một cách gián tiếp, Vingroup đã có sự sở hữu kênh bán lẻ cũng như nguồn sản phẩm đầu vào mặt hàng dệt may cho các siêu thị bán lẻ tập trung phân khúc khách hàng trung và cao cấp của Tập đoàn.
Với cuộc sang tay đổi chủ chuỗi siêu thị và cửa hàng thuộc Ocean Retail, những bước đi của Vingroup nhằm thực hiện chiến lược phát triển mới ở thị trường bán lẻ đã được xác thực. Sự chủ động cho mỗi đường đi nước bước để đạt đến hoàn hảo có lẽ cũng là điểm khác biệt của Vingroup với những DN khác. Nó cũng cho thấy một điều là đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ tương lai, những bước chuẩn bị bài bản và bĩnh tĩnh của DN hoàn toàn có thể giúp các DN đầu tư bán lẻ củng cố vị thế hoặc giành thế thượng phong.
Có thể thấy rõ, sự hiện diện của Vingroup đã cổ vũ cho thị trường về hy vọng một thế và lực mới!
VN sẽ sánh ngang với các thị trường bán lẻ truyền thống ?
Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khảo sát của CBRE về mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ năm 2014 cho thấy VN đang được kì vọng cao. Mặc dù mức tăng trưởng của thị trường này hiện tại không thực lớn, nhưng triển vọng lại có thừa, thậm chí đây là thị trường còn được CBRE đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu bành trướng mạnh mẽ.
Báo cáo nghiên cứu về thị trường bán lẻ VN đến năm 2014 của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ), đưa kết quả dự báo rằng thị trường này có thể đạt mức tăng trưởng rất hấp dẫn đến 23%/ năm. So với mức tăng trưởng đang dừng dưới 1 con số hiện nay thì đây quả là một dự đoán vàng và nó lí giải vì sao thị trường bán lẻ VN đang hút mọi dòng vốn ngoại.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết ngoài những thương hiệu đã vào sớm, thời gian tới sẽ còn có nhiều tên tuổi bán lẻ xuất hiện tại VN. Lotte Mart, vốn vào VN từ năm 2008, đã thông qua chiến lược tiếp tục đầu tư tại thị trường này dài hạn lên tới 20 năm và số vốn đổ thêm 50 triệu USD. Takashimaya, nhà đầu tư bán lẻ từ Nhật năm 2012 cũng đã thuê khoảng 15.000 m2 sàn bán lẻ tại 5 tầng của Saigon Centre, TP HCM và có chiến lược đầu tư mở rộng. Auchan - tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào VN. Wal-Mart và Carrefour cũng đang tìm cơ hội góp mặt…
Có thể nói, sự gia nhập của Vingroup với thị trường đặc biệt được các nhà bán lẻ quan tâm khi Vingroup muốn phát triển song song cả kênh bán hàng truyền thống và trực tuyến. Theo ông Đoàn Duy Khoa – Giám Đốc Bộ Phận Nghiên cứu người tiêu dùng vủa Nielsen VN, năm 2014 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành kinh doanh trực tuyến tại thị trường 90 triệu dân và khuynh hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong những năm tới. Hy vọng ông lớn Vingroup với bộ tứ của mình sẽ bắt nhịp được xu hướng, xác định và hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, phát triển cùng với sự tiến hóa của các hành vi mua sắm của người tiêu dùng, theo đó, xây dựng mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng – điều mà các “đại gia” ngoại dường như chưa có thời gian tính tới.
Chiến lược bài bản
Sau 12 năm tham gia và trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp mặt bằng bán lẻ với hệ thống các trung tâm thương mại (TTTM) có quy mô và đẳng cấp quốc tế mang thương hiệu Vincom, Vingroup đã chính thức quyết định tham gia vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của VN.
Sự bài bản của Vingroup, đầu tiên không thể không nhắc đến bất động sản. Đây vừa là nền tảng và cũng là mũi nhọn đã làm nên thương hiệu Vingroup hôm qua và hôm nay. Đồng thời bất động sản cũng là bệ phóng để Tập đoàn tư nhân địa ốc hàng đầu này muốn vươn tay vào lĩnh vực nào, đều sẵn lợi thế.
Chuỗi chiến lược của Vingroup
Vì bất động sản của Vingroup đã được nói đến khá nhiều, có lẽ, xin không bàn thêm. Cũng xin không bàn sâu đến viễn cảnh của một số thị trường tương lai, nếu Vingroup thực sự “tổng tiến công”, khi có nhiều người nói rằng thương hiệu của Vinhomes đi đến đâu, sẽ là “càn quét” đến đấy. Mới đây, Vinhomes đã khẳng định sự có mặt tại thị trường miền Nam với một tòa tháp cao nhất Việt Nam, kèm theo là 10.000 căn hộ, hơn 1.000 căn biệt thự, nhà liền kế “đẹp như mơ” trang bị đầy đủ tiện ích vốn có ở mọi dự án đã có và cả những tiện ích chưa từng có, trài ngay bên bờ sông Sài Gòn. Cũng như cuộc cạnh tranh ở mọi lĩnh vực, cuộc cạnh tranh trên thị trường tài sản lớn địa ốc càng dẫn đến sự đào thảo khốc liệt với những ai không có sự chuẩn bị và chiến lược, hành động bài bản. Và đó chính là cuộc chơi sòng phẳng đúng cơ chế thị trường.
Ngoài địa ốc Vinhomes của Vingroup, chuỗi thương hiệu Vinmec trong lĩnh vực y tế hay Vinschool trong lĩnh vực giáo dục, tuy phát triển như các mũi nhọn phụ trợ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng tiện ích và gia tăng giá trị cho các thượng đế mua sản phẩm địa ốc của Vinhomes, nhưng cũng đang được tập đoàn này đầu tư phát triển theo vị thế dẫn đầu. Chỉ riêng Vinmec, đi vào thương trường vào năm 2012, với mô hình bệnh viện – khách sạn đẳng cấp 5 sao, Vingroup cũng đã hoạch định chiến lược sẽ phát triển chuỗi hệ thống Bệnh viện với 10 bệnh viện tại các tỉnh thành có dự án của Vingroup trong vòng 5 năm; đồng thời thành lập trường Đại học Y Vinmec vào năm 2015. Theo đó, ngoài bệnh viện Vinmec đã có ở Hà Nội, Vingroup đã khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tại Phú Quốc và các điểm khởi công bệnh viện còn lại của năm nay sẽ là TP Hồ Chí Minh (Vinhomes Tân Cảng), Nha Trang và Hạ Long, nâng tổng số Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec lên con số 5. Thương hiệu Vinschool cũng được Vingroup phát triển với một chiến lược chuỗi ở vị thế hàng đầu tương tự.
Tầm cao mới
Tới đây, sự chính thức đi vào hoạt động của VinEcom - thương hiệu mới đánh dấu sự gia nhập của Vingroup trong lĩnh vực thương mại điện tử - sẽ góp phần đưa vị thế của Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ lên một tầm cao mới. Sự khác biệt và cũng là lợi ích vượt trội của VinEcom sẽ là việc tạo ra cho người tiêu dùng một trải nghiệm mua sắm trên mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng độ tin cậy cao.
Với VinMart, VinMart+ và VinEcom, Vingroup khẳng định quyết tâm vươn tới vị trí hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại VN.
Theo lãnh đạo Vingroup, một trong những nguyên do khiến Vingroup quyết tâm phát triển thị trường này là theo thống kê trên đầu người, mô hình bán lẻ hiện đại ở VN vẫn dưới mức 20%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… VN có tiềm năng phát triển lớn và là thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ mà minh chứng rõ nét nhất chính là việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, lợi thế “sân nhà” cùng với việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng VN, chiến lược phát triển hệ thống phân phối bán lẻ của Vingroup chắn chắn sẽ góp phần làm nên những thay đổi bước ngoặt của thị trường này trong thời gian tới. Ngoài ra, với kế hoạch phát triển 100 siêu thị, 1.000 cửa hàng tiện ích, dự kiến VinMart sẽ đem lại công ăn việc làm cho khoảng 20.000 người lao động, góp phần ổn định cuộc sống và an sinh xã hội.
Thuận Hóa
Theo: Lê Mỹ//DĐDN