Làn sóng dịch chuyển nhà máy nội thất tới Việt Nam: Tìm cơ hội trong áp lực
Sau khi Mỹ áp lệnh chống bán phá giá với mặt hàng đồ gỗ Trung Quốc, nhiều nhà máy chế biến đồ nội thất đã di chuyển sang VN. Sự đổ bộ này của các DN FDI sẽ ngày càng tạo áp lực lên ngành công nghiệp chế biến gỗ của VN, vốn đang “điêu đứng” trước các đối thủ ngoại. Tuy nhiên, cơ hội cũng được mở ra...
Trong chặng đường trước mắt, ngành gỗ Việt đang có nhiều chuyển động với sự dịch chuyển của các nhà đầu tư ngoại, mang các nhà máy sản xuất đồ nội thất từ Trung Quốc sang VN. Ngành sẽ được lợi, hay phải đối phó với sự chuyển động này?
Áp lực với DN nội
Có khá nhiều nhìn nhận khác nhau về làn sóng dịch chuyển nhà máy chế biến gỗ nội thất tới VN. Trên bình diện chung, cũng tương tự như ở nhiều lĩnh vực khác, việc ngành hàng có thêm nhiều nhà đầu tư ngoại luôn được đánh giá là một cơ hội lớn cho chính ngành hàng, khi nguồn vốn đổ vào đây sẽ tăng cao, ngành sẽ tận dụng được nhiều hơn nhân công lao động, có thể cải thiện và nâng công nghệ, cuối cùng là gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Song đó là xét về mặt lí thuyết. Với ngành gỗ, đặc biệt là ngành gỗ chế biến nội thất, có đôi chút khác biệt. Bởi ngành gỗ Việt trước nay vốn vẫn đang bị ngự trị bởi các DN FDI. Có khoảng 65-70% giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt thuộc về DN FDI cho dù họ chỉ chiếm 16% trong tổng số 3.000 DN gỗ tại VN. 30-35% còn lại thuộc về DN trong nước, trong đó chủ yếu DNNVV. Nói một cách khác, DN FDI từ lâu đã nhìn thấy và khai thác tiềm năng của ngành xuất khẩu gỗ VN. Việc dịch chuyển các nhà máy chế biến gỗ nội thất sang VN hiện nay, chỉ là một sự tiếp tục để khai phá tiềm năng đó đến từng phân khúc ngách.
Như vậy, sẽ không còn chỉ là sự cạnh tranh giữa DN FDI và DN nội trên thị trường đại trà, mà sự cạnh tranh này sẽ từng quyết liệt tận sâu từng phân khúc. Đặc biệt, sự cạnh tranh dường như đang bất lợi cho DN nội, nhất là tại Mỹ, thị trường vừa áp lệnh chống bán phá giá đối với đồ gỗ Trung Quốc khiến các DN ngoại tìm hướng đến VN. Lưu ý Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của toàn thế giới và cũng là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của VN. Vào thị trường này, cho dù sản phẩm gỗ của DN FDI hay của DN Việt cũng đều sẽ gắn mác “made in Vietnam”, tuy nhiên, lợi thế chắc chắn sẽ vẫn nghiêng về DN FDI khi họ sở hữu công nghệ tốt, đầu tư máy móc hiện đại và đặc biệt chú trọng khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm – yếu tố đòi hỏi khả năng nắm bắt gout thẩm mỹ của người tiêu dùng nước ngoài (gần như khác biệt với gout thẩm mỹ phương Đông) và khả năng định hình các xu hướng, trào lưu sử dụng nội thất đương đại…
Càng có nhiều DN FDI xuất hiện trên thị trường nội địa, trong khi việc liên kết giữa hai khối DN còn rời rạc thì cạnh tranh từ nguyên liệu sản phẩm, nhân công để ra thị trường theo đó sẽ càng là áp lực rất lớn cho hơn 2.000 DNNVV trong nước.
Tìm cơ hội
Cần tạo điều kiện cho DN ngành gỗ tiếp cận tín dụng bao gồm cả tín dụng hỗ trợ đầu tư nguồn nguyên liệu và tạo quỹ đất để trồng rừng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khó khăn, vẫn xuất hiện cơ hội bởi ngành gỗ vốn có nhiều triển vọng lạc quan. Việc được đánh giá cao về tay nghề nhân công lao động (với chi phí rẻ) và khả năng tăng năng suất, sản lượng xuất khẩu cho các đơn hàng trong một thời gian ngắn cũng như khâu quản lí quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm (tuân thủ đạo luật Lacey của Mỹ), với việc thuế suất xuất khẩu gỗ bằng 0% do VN đã kí kết nhiều Hiệp định thương mại ở các khu vực khác nhau, trong đó, mặt hàng gỗ đang hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu - Đây chính là yếu tố hấp dẫn và thu hút nhiều DN nước ngoài hướng vào thị trường xuất khẩu gỗ của VN. Do đó, nhìn trên tổng quan, nếu ngành đón thêm được nhiều luồng vốn đầu tư mới, nhiều nhà máy chế biến gỗ nội thất mới, cơ hội lớn để nhắm vị trí mới trong top 5, từ vị trí xuất khẩu gỗ đứng thứ 6 trên trường quốc tế hiện nay, với gỗ Việt sẽ khá khả thi.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ và Mỹ nghệ TP HCM, giải pháp quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ tổng thể của Nhà nước về khuyến khích đầu tư vào ngành. Trong đó, việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng bao gồm cả tín dụng hỗ trợ đầu tư nguồn nguyên liệu và tạo quỹ đất để trồng rừng.
Cùng với đó, việc thí điểm xây dựng các khu công nghiệp tập trung của ngành cần sớm được thúc đẩy và được sự tích cực tham gia của các DN trong nước, tạo thành “chuỗi liên kết” theo từng khu để các DN có điều kiện giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và nguyên vật liệu phụ trợ của nhau… hướng đến hỗ trợ các DN cùng nhau phát triển.
Theo: Lý Sư // DĐDN