Mâu thuẫn và chờ đợi
Báo DĐDN đã từng đề cập đến việc vui mừng ở một góc độ nào đó của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại VN khi Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp này đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp theo đó, Bộ Công Thương cũng đã tuyên bố sẽ sớm đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết hơn để thực hiện tốt những điều đã đề ra trong chiến lược và quy hoạch nêu trên.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, một số vấn đề quan trọng, nhất là những nội dung liên quan đến các chính sách thuế vẫn đang vấp phải những quan điểm mâu thuẫn, trái chiều từ các bộ ngành, dẫn đến tâm trạng của DN là tiếp tục chờ đợi và nếu tiếp tục như thế này trong một thời gian ngắn tới, các DN sẽ chán nản và “mặc kệ”
Giữ nguyên hay giảm dần ?
Như nhận định của nhiều DN thì những nội dung của chiến lược và quy hoạch vẫn còn hàng loạt điểm mang tính chung chung và cần sớm có những quy định cụ thể, nhất là chính sách ưu đãi và các chính sách về thuế. Vấn đề là đến thời điểm hiện nay, việc có ưu đãi hay không ưu đãi đều phụ thuộc hoàn toàn vào những nội dung liên quan đến chính sách thuế mà cụ thể là lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, lộ trình giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng phục vụ cho việc lắp ráp xe trong nước, tăng hay giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt…. Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở quan điểm từng bộ, ngành mà ở đây là quan điểm giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương.
Theo đề xuất của Bộ Công thương trong dự thảo về cơ chế, chính sách cụ thể cho Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2020 đến 2035, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN cần giữ nguyên 50% từ nay tới năm 2017, sau đó hạ về 0% từ năm 2018. Mục tiêu này nhằm giúp các DN sản xuất lắp ráp tại Việt Nam còn lợi thế nhất định so với xe nhập khẩu, giúp các DN duy trì sản xuất lắp ráp từ nay tới 2017, thông qua đó có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô. Với thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe nhỏ, có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, Bộ Công Thương đề nghị giảm xuống còn 20% -25%. Mục đích chính là giúp giá ô tô trở nên rẻ hơn và nhiều người dân có khả năng mua xe. Qua đó, giúp tăng quy mô thị trường ô tô, tạo cơ hội cho các DN ô tô tại Việt Nam có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng nội địa hóa, thu hút công nghiệp hỗ trợ…
Ngược lại, Bộ Tài chính cho biết, theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, đối với xe ô tô chở người, trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, giai đoạn 2015 - 2018, sẽ giảm dần từ 50% vào năm 2014 và 2015, xuống còn 40% vào 2016, 30% vào năm 2017, rồi về 0% vào năm 2018. Theo Bộ Tài chính, phương án giảm dần đều từ mức 50% vào năm 2015, xuống 0% vào năm 2018, sẽ nới lỏng mức độ bảo hộ, tránh được việc giảm thuế đột ngột về cuối lộ trình. Khi đó ngành ô tô có thời gian thích nghi nhất định, trước khi đối mặt với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính cho rằng, cắt giảm theo đề nghị của Bộ Công thương là không cần thiết. Khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm thu khá nhiều. Trước bối cảnh giảm thu từ thuế nhập khẩu và thuế thu nhập DN (giảm xuống mức 20% vào năm 2016), Bộ Tài chính cho rằng, nếu giảm thuế TTĐB với ô tô, thì NSNN Nhà nước sẽ càng giảm thu, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được, vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại.
Ngoài ra, qua khảo sát chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô của các nước trong khu vực, Bộ Tài chính cho biết, thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000 cm3 ở VN là 45%, là mức trung bình trong khu vực, thấp hơn Malaysia, Lào và bằng Singapore, Campuchia. Indonesia có mức thuế TTĐB thấp (20%) nhưng thuế trước bạ và phí đường bộ lại cao hơn nhiều (2% trên giá bán đã có thuế GTGT). Với những lý do đó, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là phù hợp trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới, phù hợp với thông lệ của những nước xung quanh. Vì vậy không cần thiết phải sửa đổi thuế suất theo như đề xuất của Bộ Công Thương.
Lại tiếp tục chờ
DN đang rất mong chờ những quy định cụ thể, rõ ràng và lâu dài để phát triển ngành công nghiệp ôtô. |
Thực tế, trong những dự thảo quy định đối với việc phát triển ngành công nghiệp ô tô VN từ trước đến nay, quan điểm của Bộ Tài chính và bộ Công Thương thỉnh thoảng vẫn trái chiều nhau. Và nếu tình hình này vẫn tiếp tục thì thực sự ngành này sẽ khó phát triển. Bản thân các DN đã chờ đợi những quy định, những ưu đãi cụ thể đã quá lâu, trong khi thời gian thực hiện các cam kết AFTA (2018) không còn nhiều.
Chưa bàn đến tính ổn định, lâu dài của chính sách, mà chỉ bàn đến những quan điểm trái chiều của các ban, ngành đã cho thấy việc phát triển ngành công nghiệp này không hề dễ dàng, trong khi mong muốn và kỳ vọng lại rất lớn. Đấy là chưa tính đến khi so sánh ngành công nghiệp này của VN với các nước xunh quanh như Thái Lan, Indonesia – những quốc gia có được những chính sách hấp dẫn thu hút vốn đầu tư lớn trong khu vực và những chính sách đó luôn ổn định, lâu dài.
Vậy câu hỏi đặt ra là nên theo hướng nào? Giữ nguyên hay giảm dần các loại thuế, thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các bộ, ngành chức năng. Còn với DN thì vẫn phải tiếp tục chờ. Đương nhiên, trong quá trình chờ đợi, mỗi DN sẽ có những hướng đi cụ thể, nhưng chắc chắn đầu tư lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ khó xẩy ra. Thay vào đó là lắp ráp cầm chừng song hành với nhập khẩu xe nguyên chiếc. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, khó có thể nói ngành công nghiệp ô tô VN sẽ phát triển, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, như mục tiêu dã đặt ra.
(Theo Nguyễn Thọ // DÐDN)