Nuôi cá tra hiệu quả từ chuỗi liên kết
Theo nghị định số 36/2014 NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra- cá basa, hạn cuối đến ngày 31/12/2015 các cơ sở, doanh nghiệp nuôi cá tra, cá basa phải áp dụng nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc GlooBal GAP.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy Sản Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu trong năm 2015, xuất khẩu cá tra phải đạt con số 1,85 tỷ USD, tương đương với diện tích nuôi 5.500 ha, sản lượng 1,1 đến 1,2 triệu tấn. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu này cần xây dựng mô hình nuôi và chế biến bền vững…
Tiềm năng, nhưng chưa được phát huy
Sản xuất và chế biến cá tra ở các tỉnh ĐBSCL được đánh giá là một ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm cá tra đã trở thành sản phẩm chủ lực của vùng và thu hút khoảng 10% lực lượng lao động ở khu vực này. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, con cá tra đã nuôi và chế biến có tốc độ tăng trưởng của ngành luôn ở mức cao, sản lượng nuôi cá tra phát triển từ vài trăm ngàn tấn đã tăng lên trên triệu tấn qua mỗi năm. Việt Nam được đánh giá chiếm ưu thế xuất khẩu trên thế giới. Theo nguồn thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu cá da trơn thế giới. Tiềm năng là vậy, nhưng 10 năm qua, con cá tra cũng chỉ phát triển ở mức độ mạnh ai nấy làm, nên người nuôi lẫn người chế biến xuất khẩu đều ở trong tình trạng “được mùa mất giá- được giá, mất mùa”.
Để có được mô hình sản xuất, chế biến bền vững, nhà quản lý, doanh nghiệp, người nuôi cá đã từng liên kết thành lập các CLB, Hiệp hội... và đã có hàng loạt nhà máy chế biến ra đời. Sự liên kết ở giai đoạn này chỉ ở mức độ sơ khai bởi người nuôi tự bỏ vốn, nhà máy chỉ mỗi việc đến thời kỳ thu hoạch là mua cá của những người trong CLB rồi thanh toán. Sự ràng buộc lẫn nhau thông qua hợp đồng đã được ký kết từ đầu vụ. Song, vì lợi nhuận trước mắt mà mỗi bên tự hủy hợp đồng, rồi nảy sinh mâu thuẫn lẫn nhau, các CLB tan rã, con đường liên kết lại đi vào ngõ cụt... Nhà máy tự lo nguồn nguyên liệu để chế biến, nông dân tự tìm nhà máy để bán và cứ thế vòng “lẩn quẩn” cung cầu không gặp nhau, người nuôi lại thua lỗ, nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu cho chế biến xuất khẩu, ngân hàng đứng ngoài cuộc…
Mô hình chuỗi liên kết, phát triển bền vững
Là người trong cuộc vừa nuôi, vừa chế biến xuất khẩu, hơn 10 năm nay, hơn ai hết, Cty TNHH SX TM DV Thuận An (Tafischco) thấu hiểu nổi đoạn trường này. Ông Nguyễn Thái Sơn - Thành viên HĐQT, Giám đốc Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafischco (Chuỗi) cũng là tác giả của dự án này đã cho biết: Chúng tôi ấp ủ Chuỗi đã 5 năm nay. Mục tiêu của Chuỗi là mô hình liên kết dọc từ sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến sản phẩm, đến thị trường tiêu thụ, trong đó có liên kết các khu vực dịch vụ khác như cung ứng thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, ngân hàng để đầu tư cho các khâu sản xuất. Với tính khả thi này, Chuỗi đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh An Giang giao cho Sở Công Thương trực tiếp chỉ đạo triển khai. Ngày 29/5/2014, Agribank (Chi nhánh An Giang) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Tafischco cấp tín dụng trị giá 234 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm. Chuỗi đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014 với các bên tham gia là: Tafischco, ngân hàng và 5 hộ dân nuôi cá tại An Giang.
Mới đây, tại xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang, Trung tâm Chuỗi đã tổ chức sơ kết, đáng giá tình hình thực hiện trong 5 tháng qua. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc Tafischco đưa ra những con số qua đó cho thấy tính khả thi của Chuỗi: Đã có 5/8 hộ tham gia, với tổng số tiền giải ngân là 138 tỷ 300 triệu đồng, đạt 58,92% tổng hạn mức được duyệt. Trong đó, diện tích thả nuôi là 30ha và đã thu hoạch được 3.185ha, đạt 33,17% so với kế hoạch. Trong tháng 1/2015 sẽ thu hoạch khoảng 1800 tấn tiếp theo.
Theo báo cáo, Tafischco là đơn vị bao tiêu cá với giá 24.300 đ/kg (theo giá thị trường), sau khi trừ chi phí người nuôi lãi từ 2000 - 2.200 đ/kg. Ông Nguyễn Văn Tấn, một trong 5 hộ tham gia Chuỗi cho biết: "Người nuôi cá chúng tôi coi mô hình này như một hướng sản xuất sáng sủa, thiết thực. Chỉ sau gần 5 tháng, gia đình tôi đã thu hoạch từ một ao nuôi được 195.5 tấn cá. Đây là mức lợi nhuận khá tốt trong vài năm trở lại đây. Với mô hình Chuỗi như hiện nay, chúng tôi quá yên tâm lo sản xuất mà không phải nợ ngân hàng,không phải lo đầu ra…".
Đánh giá về Chuỗi, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương Tỉnh An Giang cho biết: "Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa thể đánh giá hết hiệu quả của mô hình Chuỗi mà Tafischco là đơn vị đi tiên phong thực hiện thí điểm. Điều dễ nhận thấy từ chuỗi này là khắc phục được những hạn chế của những mô hình trước đó. Cụ thể là vấn đề cùng chia sẻ rủi ro, lợi nhuận. Chính sự tham gia của ngân hàng đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nông dân bớt áp lực về nguồn vốn. Nông dân an tâm nuôi cá vì đã có doanh nghiệp bao tiêu, cung cấp thức ăn. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn an tâm sản xuất vì đã có đầu ra ổn định. Doanh nghiệp chế biến cũng có nguyên liệu phục vụ sản xuất. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả cao, được kỳ vọng sẽ giúp con cá tra phát triển bền vững trở lại".
Theo nhận của các cơ quan chức năng, điều đáng mừng nhất ở Chuỗi đó là nông dân được Chuỗi liên kết hướng dẫn nuôi cá theo các tiêu chuẩn Viêt.GAP hoặc Global.GAP đúng theo Nghị định 36/CP. Đồng thời, Tafischco hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào để xây dựng kế hoạch sản xuất ổn định, bền vững do có được vùng nguyên liệu lớn. Và quan trọng hơn là Tafischco thỏa mãn được việc truy xuất nguồn gốc vùng nguyên liệu trước đòi hỏi của đối tác nếu có. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Sơn còn nhiều băn khoăn và cho rằng thời hạn chấp nhận mức tín dụng cho một chu kỳ nuôi cá nếu được ngân hàng chấp nhận thời gian là 10 tháng sẽ tốt hơn. Bởi theo ông thời gian nuôi cá đã là 7 tháng, cộng thêm 3 tháng cho công đoạn chế biến và xuất khẩu là thực tế. Cũng theo ông Sơn, nếu thời hạn gia hạn hợp đồng tín dụng với các thành viên Chuỗi liên kết có thời hạn 2 năm như đề án đã được duyệt thì người nuôi cá sẽ yên tâm xây dựng kế hoạch vùng nuôi đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cụ thể và thiết thực hơn, ông Tấn, người trực tiếp nuôi cá nói: Việc điều chỉnh số hộ nông dân tham gia liên kết chỉ cần nhà sản xuất và ngân hàng kết hợp xét các hộ đủ tiêu chuẩn là đủ. Bởi theo ông, đây không còn là mô hình điểm mà đã thành mô hình chính thức rất hợp với Nghị định 36/CP.
(Theo Minh Hương // DÐDN)