Fico: Đổi mới để dẫn đầu
Trao đổi với DĐDN, ông Vũ Trọng Tuấn - Chủ tịch hội đồng thành viên TCty vật liệu xây dựng số 1 (Fico) cho biết: TCty sẽ tiến hành công bố thông tin và IPO trong quý I/2015.
Theo ông Vũ Trọng Tuấn: đến thời điểm hiện tại, tất cả các chỉ số về sản lượng, về doanh thu, lợi nhuận của Fico đều vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 9/2014, doanh thu của TCty đạt trên 5.226 tỷ đồng. Trong đó doanh thu của Cty mẹ đạt 2.073 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch năm, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2013. Theo kế hoạch doanh thu cả năm 2014 sẽ đạt trên 7.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ vượt được kế hoạch đề ra khoảng 15%.
- Theo kế hoạch năm 2015, Fico sẽ phải tiến hành cổ phần hoá, xin ông cho biết kế hoạch thực hiện cũng như việc chọn đối tác chiến lược?
Đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ đạo cổ phần hóa và tổ giúp việc đã triển khai đúng tiến độ, chất lượng các bước công việc cần thiết. Công tác xử lý tài chính và xác định DN đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt. Việc xây dựng phương án cổ phần hóa cũng đã hoàn thành trên 90% khối lượng, dự kiến trình Bộ Xây dựng ngay sau khi có Quyết định công bố giá trị DN. Cty sẽ tiến hành công bố thông tin và IPO trong quý I/2015. Tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất vào tháng 5/2015 và bàn giao, hoạt động theo mô hình tổng Cty cổ phần từ 1/7/2015.
Đối với việc lựa chọn đối tác chiến lược, đây là thời điểm rất khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược đối với các DN nói chung và các DN kinh doanh vật liệu xây dựng nói riêng bởi lợi nhuận ngành này không cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quan điểm của chúng tôi là phải chọn được đối tác chiến lược có khả năng đồng hành vì mục tiêu phát triển DN chứ không phải theo kiểu đầu tư tài chính.
- Theo ông đâu là lợi thế, đâu là khó khăn của Fico khi cổ phần hoá?
Uy tín thương hiệu, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, mạng lưới phân phối và hệ thống khách hàng truyền thống chính là lợi thế lớn nhất của Fico và cũng là những giá trị mà chúng tôi sẽ phải tiếp tục nỗ lực phát triển.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá, Cty sẽ đa dạng về sở hữu, có rất nhiều đối tác, nhiều chủ sở hữu đều tham gia quản trị, điều hành. Đây vừa là động lực và cũng tạo ra áp lực cho ban điều hành đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn. Bên cạnh đó chúng tôi phải tìm được đối tác chiến lược cùng mục tiêu, định hướng, cùng đồng hành.
Fico sẽ công bố thông tin và IPO quý I/2015, tổ chức ĐHCĐ lần thứ nhất vào tháng 5/2015, hoạt động theo mô hình tổng Cty cổ phần từ 1/7/2015. |
- Xin ông cho biết định hướng chiến lược của Fico sau khi thực hiện cổ phần hoá?
Hiện tại, phương án cổ phần hoá chưa được phê duyệt, nhưng chúng tôi sẽ trình phương án phát triển của TCty trong 5 năm tới. Theo đó sẽ tập trung vào những ngành nghề chính là: xi măng; các loại vật liệu gạch ốp lát, gạch xây và các vật liệu xây dựng khác, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu cao cấp; khai thác và chế biến khoáng sản; thương mại; bất động sản và hạ tầng. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng hằng năm trong giai đoạn này là từ 10-15% .
Hiện tại tỉ trọng doanh thu sản xuất và dịch vụ thương mại lần lượt là 55% và 45% nhưng sau khi cổ phần hóa chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất nâng tỷ trọng lên khoảng 75%. Để đạt được mục tiêu này, Fico sẽ tập trung đầu tư dây chuyền 2 của xi măng Tây Ninh. Đẩy mạnh, nghiên cứu sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường và vật liệu mới. Đối với các dây chuyền sản xuất vật liệu truyền thống thì nâng cấp dần để đạt hiệu quả cao hơn.
Thị phần của xi măng Tây Ninh ở phía Nam chiếm khoảng 12%, với sản lượng hiện nay là khoảng 1,6 triệu tấn/ năm. Theo kế hoạch dây chuyền 2 của xi măng Fico Tây Ninh sẽ hoàn thành sau 5 năm cổ phần hóa nâng công suất thiết kế lên 3 triệu tấn/năm. Như vậy sau 5 năm nữa doanh thu của riêng nhà máy xi măng Tây Ninh có thể đạt 6.300 tỷ đồng/ năm.
Tuy nhiên để thực hiện các mục tiệu trên thì nguồn vốn cần huy động đầu tư cho giai đoạn 5 năm sau cổ phần hóa sẽ lên tới gần 8.000 tỷ đồng. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm các đối tác chiến lược đồng hành, chúng tôi cũng đã xây dựng phương án huy động vốn với nhiều kênh huy động như vốn vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu...
- Xin cảm ơn ông!
Thương hiệu FiCO ngày càng trở nên thân thuộc đối với người tiêu dùng thông qua các nhãn hiệu như: Ximăng FiCO, Gạch ốp lát Thanh Thanh và Vitaly, Gạch ngói Đồng Nai, Đá xây dựng Phước Hòa, Cát Cam Ranh FiCO, Liên doanh FICO Pan- United.
Bên cạnh đó là các nhãn hiệu khác như: ximăng trắng FiCO Song Mã, sàn giao dịch bất động sản (FiCO-HOME), các dịch vụ trong xây dựng như xử lý nền đất yếu (FiCO-COREA). Đặc biệt, Gạch ximăng cốt liệu FiCO là một loại vật liệu mới không nung với nguyên liệu chính từ chất phế thải công nghiệp, là sản phẩm VLXD thân thiện với môi trường.
(Theo Thu Trang // DÐDN)